× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Mật tông

Đà Ra Ni



Kinh Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Quỹ Nghi - Chú thích

[1] Ni câu luật na (Nigrodha) vốn là một vườn cây ở phía nam thành Ca tỳ la vệ, là nơi đức Phật trở về thuyết pháp cho vua cha là Tịnh Phạn vương, sau khi Ngài thành đạo.  Đại Đường Tây Vức Ký, quyển 6, ghi rằng vua A Dục tặng toàn bộ khu đất này để xây tháp và già lam.  Trong khu vườn này có một ngôi tháp đánh dấu nơi đức Phật ngày xưa ngồi dưới cội đại thụ mà tiếp nhận sự cúng dường ca sa kim uất của bà di mẫu Kiều Đàm Di.

 

[2] Bà la môn tiên = Bán Thiên bà la môn:  Một trong những loài qủy, là đối tượng thí thực trong hội thí ngạ quỷ.

 

[3] Ma già đà (Magadha) tân dịch là Ma Kiệt Đà, cựu dịch là Ma Già Đà, là tên một nước ở miền trung Ấn Độ.

 

[4] Chư nghiệp đạo = nghiệp đạo minh kỳ:  Các qủy thần ở cõi U minh được sanh ra từ nghiệp nhân mà họ đã tạo.

 

[5] Tứ sanh là 4 loài chúng sanh phân loại theo 4 cách sanh: noãn, thai, thấp, hóa.

 

[6] Phiền não có 10: Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.  Tuỳ phiền não có 20:  Phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu, vô tàm, vô qúi, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.

 

[7] Đạo ý = đạo tâm, vô thượng đạo tâm, vô thượng đạo ý, bồ đề tâm: tâm cầu dạo vô thượng bồ đề.

 

[8] Chánh văn là nghiệp đạo, hiểu đơn giản là quả báo dị thục thuộc đường lành, đường dữ.

 

[9] Đại niết bàn = thành Phật

 

[10] Cam lộ pháp môn:  Tức chỉ giáo pháp của Như Lai.  Cam lộ là thí dụ cho niết bàn.  Cửa ngõ đưa đến niết bàn còn gọi là cam lộ môn.  Kinh Pháp Hoa, phẩm Hoá Thành Dụ nói:   “Phổ trí thiên nhân tôn, thương xót loài quần manh, hay khai cam lộ môn, rộng độ cho tất cả”.

 

[11] Một trong 5 tạng mà kinh Lục ba la mật trình bày (kinh, luật, luận, bát nhã ba la mật và đà la ni môn), là pháp tạng của chân ngôn đà la ni, là giáo pháp đề hồ tối thượng trong 5 tạng, theo đó mà lập ra tông chân ngôn.

 

[12] Hư không chư thiên:  Chư thiên ở cõi hư không, tức chỉ chư thiên từ cõi trời Đâu Suất trở lên.  Vì trụ tại không trung nên còn gọi là không cư thiên.

 

[13] Long thần bát bộ:  Trong tám bộ chúng, đứng đầu là Trời và Rồng, nên gọi là thiên long bát bộ hay còn gọi là long thần bát bộ.  Tám bộ chúng gồm có: 1. Thiên chúng, 2. Long chúng, 3. Dạ Xoa, 4. Càn Thát bà, 5. A tu la, 6. Ca lầu la, 7. Khẩn na la, 8. Ma hầu la già.

 

[14] Lục dục thiên: 1. Tứ thiên vương thiên, 2. Tam thập tam thiên, 3. Diêm ma thiên, 4. Đâu suất thiên, 5.Hóa tự tại thiên, 6. Tha hóa tự tại thiên.

 

[15] Sách Sử Ký:  Quân Ngô vào kinh đô của nước Sở, Ngũ Tử Tư tìm Sở Chiêu Vương để trả mối thù giết cha và anh trước đây nhưng không thấy, Tử Tư bèn quật mồ Sở Bình Vương đánh thi thể đến 300 roi mới thôi, nên gọi là tiên thi (đánh xác chết).  Lịch sử nước ta cũng không ngoại lệ:  Khi Nguyễn Ánh đánh thắng nhà Tây Sơn năm 1802, lên làm vua lấy hiệu là Gia Long, thì trả thù nhà Tây Sơn rất dã man: mồ mã bị khai quật, hài cốt bị giã nát vất đi, đầu lâu của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Quang Toản và mộc chủ của vợ chồng Nguyễn Huệ đều bị giam ở nhà Đồ Ngoại, sau lại đưa vào cấm cố vĩnh viễn trong ngục thất.

 

[16] Du già (yoga): nghĩa là tương ưng (thích ứng với nhau), mà chính yếu là tương ưng với chỉ và quán, danh từ khác của thiền định, tam muội.  Tuy nhiên, Du già giáo theo Mật tông thì Phật và chúng sanh dung thông lẫn nhau, nhập vào cảnh giới Du già:  thân kết ấn (thân mật), miệng tụng chân ngôn (khẩu mật), ý quán tưởng đức bổn tôn Tỳ Lô Giá Na (ý mật), 3 nghiệp như vậy tương ưng với tam mật của Phật.  Dưới sự gia trì tam mật mà chúng sanh đều được đầy đủ trí tuệ đức tướng của Phật, thành tựu diệu hạnh tức thân thành Phật, hiển bày quả đức bản giác của chúng sanh.

 

[17] A xà lê: Trong mật giáo, vị thông hiểu mạn đà la và tất cả các tôn vị (Phật, bồ tát, minh vương …), chân ngôn, thủ ấn, quán hạnh tất địa, truyền pháp quán đảnh, được gọi là a xà lê.   Kinh Đại Nhật, phẩm Cụ Duyên ghi:  A xà lê phải có đủ 13 đức như sau:  1. Phát tâm bồ đề,  2. Diệu huệ từ bi,  3. Nhiếp thọ chúng sanh,  4. Khéo tu hành bát nhã ba la mật,  5. Thông hiểu ba thừa,  6. Hiểu biết rành rõ thật nghĩa của chân ngôn,  7. Hiểu rõ tâm chúng sanh,  8, Kính tin chư Phật, bồ tát,  9. Được truyền thọ quán đảnh “Đẳng diệu giải main đà la họa”,  10. Tâm tánh mềm mỏng, xa lìa ngã chấp,  11. Khéo được sự vững chắc đối với việc thực hành chân ngôn,   12. Tu tập du già được rốt ráo,   13. An trú mạnh mẽ tâm bồ đề.

 

[18] Mạn nã la = mạn đà la

 

[19] Thấy rõ cái lý “vạn pháp duy thức” qua sự tu tập chỉ quán mà lấy ấn tượng của tâm làm đối tượng.

 

[20] Chỗ phước đức là nơi thờ phụng Tam bảo, nơi hành thiện pháp, nơi có người tu tập ngũ độ.

 

[21] Đồ biểu mạn đà la này không có vẽ hình tượng cụ thể mà chỉ liệt kê danh hiệu của các tôn vị.  Thân sắc của các tôn vị ấy được biểu thị bằng hình vuông, hình tròn, tam giác v.v… Hình vuông đại biểu cho màu vàng, hình tròn là màu trắng, tam giác là màu đỏ.

 

[22] Chỉ cho đàn pháp (nội đàn) mà chư Thánh chúng sẽ an vị theo thứ tự riêng biệt.  Điều này có ghi trong giáo văn hay từ thầy mà bẩm thụ.

 

[23] A già đà (agada) là tên một thứ thuốc phòng ngừa và trị mọi thứ bịnh, mọi thứ độc, dịch là phổ khứ, vô giá, vô bịnh, bất tử dược.  Kinh Niết Bàn có nói:  “Bồ tát nguyện cho chúng sinh được món thuốc A già đà, nhờ sức thuốc ấy họ trừ được tất cả vô số thứ độc hại”.

 

[24] Là đàn tràng mà các quỷ thần, cô hồn thọ tam muội da giới (tâm giới).

 

[25] Vào giờ Hợi (9-11 giờ tối) khi mặt trời đã lặn, chư thiên chúng hoan hỷ giáng lâm, tác pháp linh nghiệm vậy.

 

[26] Bàn tay phải là Kim cang giới, tính từ ngón út cho tới ngón cái, các ba-la-mật theo thứ tự là: bố thí (đàn), trì giới (giới), nhẫn nhục (nhẫn), tinh tấn (tấn), thiền định (thiền) ba-la-mật. Bàn tay trái là Thai tạng giới, cũng tính từ ngón út cho đđến ngón cái, các ba-la-mật theo thứ tự là: tuệ, phương tiện, nguyện, lực và trí ba la mật.

 

[27] Đây là chân ngôn Nhũ hải (Biến hóa biển sữa), là khiến biển sữa kia rộng lớn, hòa suốt.

 

[28] Thức ăn bố thí cho ngạ qủy nên đặt trên sinh đài, đây là pháp thức căn bản.

 

[29] Con người định đoạt thời gian lúc nào bố thí là quan trọng hơn hết.  Lưu ý, bố thí cho qủy thần thì có thể trong tất cả thời, còn riêng thí thực cho ngạ qủy thì tốt nhất là khi màn đêm buông xuống, “chính là lúc con người yên nghỉ, ma quỷ hiện hình, cũng là khi siêu độ cô hồn, thoát cõi U minh”.  Qủy thần chia làm hai hạng: có uy phước và không uy phước.  Loại qủy thần có uy phước thì có cung điện, thân tướng trang nghiêm, nhiều kẻ tùy thuộc, hoặc thọ dụng những trân vị cam lộ, hoặc được người thờ cúng.  Loại này còn chia ra làm chánh thần và tà thần.  Loại qủy thần không có uy phước thì vất vả, ở chỗ âm u, thường đói khát, hoặc ăn những đồ bất tịnh.

 

[30] Giờ Tý: 11-12 giờ đêm.

 

[31] Tứ lưu: Gồm có: 1. Kiến lưu: chỉ Kiến hoặc của tam giới.  2. Dục lưu: chỉ tất cả hoặc của Dục giới, trừ Kiến và Vô minh.  3. Hữu lưu: chỉ tất cả các hoặc của hai giới trên, trừ Kiến và Vô minh.  4. Vô minh lưu: chỉ Vô minh của tam giới.  Hữu tình vì bốn pháp này mà trôi nổi chẳng dứt, nên gọi là lưu.

 

[32] Nhân không = ngã không: Hàng phàm phu vọng chấp năm uẩn là thật ngã nên có ra phiền não chướng làm cho bị luân hồi. Vượt qua chướng ngại sự dụng ấy gọi là thể nhập ngã không.

 

[33] Pháp tịch = pháp không: Biết rõ năm uẩn là không thật nhưng vẫn còn năng sở về các pháp sở tri (= sở tri chướng) làm cho không chứng ngộ.  Vượt qua chướng ngại chân lý ấy gọi là thể nhập pháp không.  Phàm phu là người chưa hủy diệt được hai chướng ngại.  Hàng thanh văn duyên giác là bậc vĩnh viễn loại bỏ ái dục, hủy diệt chướng ngại sự dụng nhưng chưa hủy diệt chướng ngại chân lý.  Bồ tát là bậc nỗ lực hủy diệt hai chướng ngại, hàng phục hai chướng ngại và hủy diệt hoàn toàn hai chướng ngại.

 

[34] Chánh văn là tha phương bẩm thức đào hình, chỉ cho chúng sanh ở trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi chết và trước khi tái sanh, gọi là thân trung ấm.

[35] Vô sanh nhẫn = vô sanh pháp nhẫn: Là tuệ giác thể nhận thật tướng không sanh diệt của các pháp.  Thật tướng ấy vốn không phiền não, không sanh phiền não.  Được tuệ giác này là được đến vị trí Không thối chuyển (Bất thối: A bệ bạt trí).

 

[36] Vô giá hội: Phạn âm là Panca-varsika maha, Hán âm là Ban giá vu sắt hội, là pháp hội thực hành tài thí và pháp thí một cách bình đẳng, không phân biệt hiền thánh, tăng tục, sang hèn, trên dưới.  Vô giá nghĩa là khoan dung mà không hạn chế.  Vào thời vua A Dục ở Ấn Độ đã có sự thực hành pháp hội này, cứ 5 năm một lần, gọi là Ngũ niên đại hội.  Tây Vực Ký quyển 5 ghi rằng: “Năm năm thiết lập vô giá đại pháp hội một lần, dốc hết của kho, huệ thí cho chúng sanh, chỉ giữ lại binh khí không bố thí, cho nên biết lập hội này hao tốn của cải rất lớn”.  Ngài Pháp Hiển thuật lại hội vô giá trong cuốn Phật quốc ký như sau: “ Ban giá việt, tiếng Trung hoa là Đại hội 5 năm 1 lần.  Khi đại hội thì mời chư tăng mọi nơi cùng đến vân tập.  Vân tập rồi chỗ ngồi chư tăng được trần thiết, treo lụa, treo cờ và cắm lọng.  Lại làm hoa sen bằng vàng, bằng bạc đặt sau chỗ ngồi chư tăng, trải lên trên chỗ ngồi ấy những tấm tọa cụ sạch sẽ.  Quốc vương cúng dường đúng phép trong 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng, và phần nhiều cử hành vào mùa xuân”.  Ở đây, Cam lộ vô giá hội là đại hội bình đẳng bố thí thức ăn cho ngạ qủy, cô hồn và chúng sanh trong sáu đường, đồng thời bố thí pháp vị cam lộ của Phật để chúng sanh nương đó, tùy theo căn cơ, mà được thiện lợi, được siêu thoát và an lạc.

 

[37] Thắng thiện giới phẩm = tam muội da giới: Lấy bồ đề tâm làm giới pháp, cũng có nghĩa là lấy trí giác của Phật, tức giác tánh của mình, mà làm giới phẩm.   Có được giới phẩm ấy thì luôn thức tỉnh rằng mình có giác tánh ấy, và cần sống theo giác tánh ấy không cho trái vượt.

 

[38] Tùy tụng mà chế khai, nghĩa là 3 lần tụng “Án, phạ nhật phạ, mục khất xoa mục”, thì 3 lần nâng thủ ấn gần đỉnh đầu rồi vung các ngón tay hướng ra ngoài, như là đem hương hoa thượng diệu tung rải lên hư không, hoa ấy xoay chiều trái để giải giới, cũng hàm ý tiễn đưa chư Phật bồ tát và chúng sanh sáu đường.

 

[39] Thức ăn bố thí cho qủy thần trong tất cả thời phải là thức ăn chưa từng thọ dụng, đồ để dành, đồ xuất sanh hay lưu phạn.  Sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu ghi, khi thị giả đưa đồ ăn cho qủy thần thì đọc bài kệ sau:  Nhữ đẳng qủy thần chúng, ngã kim thí nhữ cúng, thử thực biến thập phương, nhất thiết qủy thần cộng. Án mục lực lăng sa ha. (Chúng các người, nay tôi cho đồ cúng, đồ này khắp tất cả, qủy thần cùng hưởng chung.  Án mục lực lăng sa ha.)

 

[40] Phật thuyết vị A Nan cập cứu bạt Diệm Khẩu ngạ qủy nhất thiết chúng sanh đà la ni kinh.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy