× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Bồ Tát Thiện Giới



Phẩm thứ mười tám…37 phẩm trợ đạo

 Thế nào là sự hổ thẹn của Bồ Tát?

Hổ thẹn có hai:

Một là tánh. Hai là nhân duyên.

-Tánh là thế nào? -Đại Bồ Tát tự biết việc làm sai pháp của chính tự mình, vì sợ quả xấu nên sanh tâm hổ thẹn.

-Nhân duyên là gì? -Bồ Tát đối với điều ác do mình gây tạo, vì sợ người biết mà sanh hổ thẹn.

Tánh hổ thẹn chẳng phải nhờ nhân duyên mới được như tánh Bồ Tát. Tu hành hổ thẹn của Đại Bồ Tát vốn từ nhân duyên đưa đến, chẳng hạn nhân duyên Tám món Thánh đạo.

Hổ thẹn có bốn điều:

-Chẳng nên làm mà làm, sanh ra hổ thẹn.

-Nên làm nhưng chẳng chịu làm, sanh ra hổ thẹn.

-Tâm tự nghi ngờ sanh ra hổ thẹn.

-Tội đã che dấu, sợ người hay biết mà sanh hổ thẹn.

Vì sao gọi là Bồ Đề Tát Đỏa?

-Tát đỏa nghĩa là mạnh mẽ, dũng cảm, không sợ điều gì. Tánh của Bồ Đề có sức mạnh mẽ. Bởi sức mạnh mẽ cho nên có thể chế ngự phiền não, chẳng thuận vọng tình, luôn luôn nhẫn chịu những nỗi khó khổ và những đe dọa, dầu bị khủng bố cũng không lay động.

Bồ Tát có bao thiện pháp trang nghiêm, đó mệnh danh là năng lực của tánh dõng cảm mạnh mẽ, vì thế gọi là Bồ Đề Tát Đỏa.

Năng lực về tánh dõng cảm mạnh mẽ của Đại Bồ Tát có năm nhân duyên. Thế nào là năm?

-Các khổ sanh tử.

-Hành vi ác nghiệp của các chúng sanh.

-Trong vô lượng đời lợi ích chúng sanh cho nên chịu vô lượng khổ.

-Hết lòng giữ vững giới cấm của Bồ Tát.

-Hết lòng nghe nhận những pháp sâu diệu.

Lại có năm nhân duyên khiến Đại Bồ Tát vì khắp chúng sanh chịu đủ khổ lớn như cắt tim gan nhưng không buồn rầu. Năm nhân duyên là:

-Vì có đại dõng cảm mạnh mẽ.

-Vì siêng tu tập không chút ưu sầu.

-Vì sức tinh tấn mạnh mẽ mà siêng tu phương tiện hay khéo.

-Vì lực mạnh mẽ của trí tuệ lớn.

-Vì sự chuyên nhứt tu tập ba tâm.

Bồ Tát hiểu biết sử sách thế gian, điều ấy thế nào?

Bồ Tát hay khéo biết các phương pháp, nghệ thuật thế gian. Biết chữ biết câu, biết lời biết nghĩa, tâm miệng hòa hợp, chuyên nhứt thọ trì. Ấy là Bồ Tát biết pháp biết nghĩa, vì biết pháp, nghĩa cho nên có thể vì người giải nói. Do nhân duyên đó nên sự sáng suốt về pháp về nghĩa càng được tăng trưởng. Đó mệnh danh là Văn huệ, Tư huệ. Cũng bởi nhân duyên Văn huệ, Tư huệ này mà các pháp Trợ Bồ Đề phần được tăng trưởng mãi.

Bồ Tát thế nào biết rõ thế gian?

Thế gian có hai:

Chúng sanh thế gian và Khí thế gian.

Đại Bồ Tát quán về chúng sanh thế gian, như trong kinh nói: “Hữu tình thế gian bị khổ chi phối, cho nên phải chịu sự khổ sống chết, chẳng rõ đầu mối sanh tử, chẳng được giải thoát”. Vì thế kinh nói “chúng sanh có năm trược: mạng trược, chúng sanh trược, phiền não trược, kiến trược, kiếp trược”.

Như hiện nay đây người sống không đầy trăm tuổi. Đó là mạng trược.

Lại như hiện nay chúng sanh chẳng hay hiếu với cha mẹ, chẳng kính thầy bạn, Hòa thượng, sa môn, bà la môn, hành động không lễ, chẳng sợ quả báo hiện tại, vị lai, chẳng ưa bố thí, chẳng vui làm phước, chẳng thích thọ trai, giữ giới tinh tấn, Đây gọi là chúng sanh trược.

Lại như hiện nay chúng sanh đều do phiền não mê muội, hoặc giết cha mẹ, đối với mẹ, dì, chị gái, em gái, bà con thân thuộc mà cưỡng hành dâm. Hoặc vì gây tạo nhân duyên ác độc đối với chúng sanh mà chứa cung tên, dao gậy, mâu, sóc…Có nhiều chúng sanh nói dối, hai lưỡi, nói năng hung hiểm, nói lời vô nghĩa…Có đến vô lượng điều ác như vậy. Khi mà phiền não chẳng lành pháp khởi đầy dãy như thế, gọi là phiền não trược.

Lại như chúng sanh hiện nay, thật chẳng phải pháp nhận thức là pháp. Chính thật là pháp lại cho phi pháp. Chẳng phải chánh pháp nói là chánh pháp. Do sự nhận thức nói năng sai lầm ấy mà phá hoại Chánh pháp, nuôi lớn tà pháp. Vô lượng chúng sanh tu theo tà kiến, tà pháp như vậy gọi Kiến trược.

Lại như, thời đại ác trược, chúng sanh ác trược, có ba tai kiếp dữ dằn khởi lên trong khắp cõi đời: Tai kiếp đói kém, tai kiếp bệnh dịch, tai kiếp chiến tranh. Đó gọi là kiếp trược.

Trên đây là nói Bồ Tát biết rõ chúng sanh thế gian.

Bồ Tát lại biết Khí thế gian, nghĩa là khéo biết nhân duyên thành hoại của cả thế gian. Vì vậy kinh nói: “Này Ca chiên Diên! Như Lai hay khéo biết về thế gian, biết rõ nguyên nhân và sự hoại diệt của toàn thế giới, biết đạo giáo trong khắp cả thế gian, biết rõ đạo vị, biết rõ sự khổ và sự giải thoát của toàn thế gian. Này Ca chiên Diên! Sáu Nhập, năm Ấm, Bốn đại hợp lại gọi là thân người. Bởi có thân người nên theo thế gian mà lập thành tướng, hoặc gọi là Ta, gọi là chúng sanh, gọi là mạng sống, gọi là sĩ phu, gọi là Ất, Giáp… Những danh từ ấy tánh nó không thật. Bởi phiền não mà chúng sanh nói rằng “tôi thấy” “tôi nghe” ”tôi biết” v.v. Cái thấy, nghe, biết cũng không chân thật. Cứ như vậy lan rộng trong đời. Nào tên, nào họ, ăn uống, nghỉ ngơi, chịu khổ, chịu vui, sống lâu, chết yểu… Những cái như thế gọi là lan rộng. Sự lan rộng này gọi nó là tướng, chẳng gọi chân thật. Như Lai biết đúng chúng sanh thế gian và Khí thế gian, vì thế gọi là Như Lai chơn thật khéo biết thế gian”.

Bồ Tát nếu như gặp người tuổi tác đức độ hơn mình, nên ra nghênh đón, chào hỏi lễ lạy, sắp đặt giường tòa. Gặp người tuổi tác đức độ ngang mình, hãy nên ra ý khiêm hạ hỏi chào, nói năng mềm mỏng, bắt tay cùng hòa, chẳng sanh kiêu mạn, cho mình hơn người. Gặp người tuổi tác đức độ nhỏ thua cũng ra ý hỏi, nhỏ nhẹ lời nói khuyến khích bồi đức, dạy làm điều lành, tâm không khi dễ. Giả sử người ấy có tội, cũng không soi mói, theo vật người cầu mà tùy tình cấp thí.

Bồ Tát đối với tất cả mọi người bực trên, bực giữa và bực dưới mình, đều ra ý chào, nói năng mềm mỏng, đem pháp lành dạy. Dùng thức ăn uống và dùng giáo pháp nhiếp giữ chúng sanh. Với ba nghiệp lành thuộc thân, miệng, ý và sự khéo tư duy, đều đem hồi hướng đến các chúng sanh. Thường nghĩ như vầy: “Nguyện tôi chớ tạo nhân duyên xấu ác đối với chúng sanh. Nguyện tôi chẳng gây tư tưởng oán hờn mà thường sanh khởi ý tưởng thân thiện và không giận dỗi, giả sử có giận cũng không để tâm”.

Nếu gặp người khác giận hờn đánh đập, nên quán Pháp giới, thân, miệng, ý nghiệp thường tự ngưng đọng, đầy đủ mười bốn điều, đó là: Sáu phương tiện, bốn hạng ác tri thức, bốn hạng thiện tri thức như trong kinh Thiện sanh nói rõ.

Thường làm lợi ích đời này đời sau. Siêng tìm của cải, được rồi bảo vệ để làm phước đức, không tham, không sẻn, không làm trò huyễn để mê hoặc người. Trì giới hổ thẹn, có người gởi gắm chẳng để sanh nghi, chúng sanh gặp gỡ như gặp điều thật. Thường gần bạn lành, trị nước an dân, khuyên tu Thập thiện. Thấy nói có thấy, nghe nói có nghe, biết nói rằng biết, rõ nói là rõ…Vì thế Bồ Tát được mệnh danh là rõ biết thế gian.

 

Thế nào là sự học Tứ Y của Bồ Tát?

1.Bồ Tát y nghĩa chẳng y vào chữ: Bồ Tát nghe pháp chẳng y theo chữ, chỉ nương theo nghĩa.

2.Đại Bồ Tát y pháp chẳng y người: Bồ Tát hiểu biết thế nào là Pháp, thế nào phi pháp. Biết pháp như vậy là lời Phật nói, lời trưởng lão nói hay lời chúng tăng nói. Nếu chẳng phải pháp, mặc dầu nghe là lời đức Phật nói tâm cũng không tin. Nếu đúng là pháp, dầu không phải Phật nói, không phải trưởng lão nói, không phải chúng tăng nói, nhưng đúng pháp tướng. Bồ Tát nghe rồi liền tin nhận ngay.

3.Bồ Tát y kinh liêu nghĩa, chẳng y kinh bất liễu nghĩa: Y liễu nghĩa là: Chẳng động, chẳng dời, không sanh lòng nghi về kinh liễu nghĩa. Với kinh liễu nghĩa, nếu như Bồ Tát sanh tâm nghi ngờ tức có thể đổi đời.

4.Bồ Tát y trí chẳng y thức: Vì sao thế? -Vì tu trí tuệ, gọi là tịnh trí. Do đó Bồ Tát hiểu nghĩa rất sâu. Dầu với nghĩa sâu mà chưa hiểu rõ cũng sanh tâm phỉ báng.

Đây gọi là sự thành tựu Tứ y của Đại Bồ Tát.

Bồ Tát thành tựu Tứ y như trên, có thể biết rành đạo giáo thế gian và đạo pháp xuất thế.

Đại Bồ Tát lại có bốn đường lối, do bốn đường lối mà biết tất cả pháp giới, được trí vô ngại. Bốn đường lối ấy là Tứ Vô ngại trí.

-Biết tất cả pháp giới là Pháp Vô ngại trí.

-Nếu Bồ Tát biết hết thảy danh từ của tất cả pháp, biết rất sáng suốt không bị chướng ngại, không chút điên đảo, gọi là Nghĩa Vô ngại trí.

-Nếu Bồ Tát biết hết thảy danh từ của tất cả pháp, gọi là Từ Vô ngại trí.

-Bồ Tát hiểu biết tất cả pháp giới, biết rõ danh từ nghĩa lý các pháp, nói không cùng tận. Gọi là Lạc thuyết Vô ngại trí.

Bồ Tát đầy đủ Tứ Vô ngại trí là biết phương tiện của Ấm, Giới, Nhập, phương tiện mười hai nhân duyên và biết phương tiện Thị Xứ Phi xứ.

Bồ Tát đầy đủ Tứ Vô ngại trí là biết rõ ràng đạo quả Bồ Đề, lại còn có thể vì những điều khác phân biệt giảng nói một cách rộng rãi.

Thế nào là sự trang nghiêm Bồ Đề?

Trang nghiêm có hai: Công đức trang nghiêm, Trí tuệ trang nghiêm (Như trong phẩm Lợi Hành đã nói).

Bồ Tát trong vô số kiếp (a tăng kỳ kiếp) thứ nhất, tu tập hai thứ trang nghiêm, gọi là trang nghiêm bực hạ.

Tu hành trong vô số kiếp thứ hai, gọi là trang nghiêm bực trung.

Tu hành trong vô số kiếp thứ ba, gọi là trang nghiêm bực thượng.

S

Thế nào là sự tu tập ba mươi bảy phẩm Trợ đạo của Bồ Tát?

-Bồ Tát đầy đủ tứ vô ngại trí, được trí phương tiện, do trí phương tiện này mà tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, vẫn chưa chứng đạo Vô thượng Bồ Đề, nhưng cũng biết được chỗ tu đạo phẩm của bực Nhị thừa, biết về Nhị thừa như trong phẩm đầu đã nói sơ lược.

Thế nào là biết chỗ tu ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo của Bồ Tát?

-Bồ Tát quán thân bằng cách tuần tự quan sát về thân. Trong khi khởi quán không chấp tướng thân, cũng không tác ý là tướng hư không, nhưng vẫn biết thân chẳng thể tuyên nói. Đây gọi là quán thân đệ nhứt nghĩa, chẳng qua có sự lan rộng mà gọi là thân.

Như cách quán thân, quán ba mươi bảy phẩm Trợ Đạo lại cũng như vậy.

Khi đại Bồ Tát quán về thân này, không tác ý Khổ, không tác ý Tập, không tác ý Diệt, cũng không tác ý nhân duyên Đạo đế.

Vì sao thế?

-Bởi vì pháp giới (toàn thể nhất tâm) bất khả thuyết vậy.

Nếu như Bồ Tát có thể biết về Khổ, Tập, Diệt, Đạo như vậy, được mệnh danh là tu đệ nhất nghĩa về ba mươi bảy Phẩm Trợ đạo.

Vì sự lan rộng cho nên gọi là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bồ Tát nếu biết chẳng do giác quán, quán về ba mươi bảy Phẩm Trợ đạo. Đó gọi là Xa ma tha. Bồ Tát nếu biết pháp giới chơn thật không thể tuyên nói, như thế gọi là Tỳ bát xá ma (huệ).

Pháp Xa ma tha của Bồ Tát có bốn:

1.Đệ nhứt nghĩa Xa ma tha.

2.Kỳ hạn của Xa ma tha.

3.Chơn thật của Xa ma tha.

4.Sự lìa các phiền não của Xa ma tha.

Bồ Tát đầy đủ bốn nghĩa Xa ma tha, là biết toàn thể pháp giới, gọi là Vô thượng Bồ Đề.

Tỳ bát xá ma của Bồ Tát cũng có bốn:

1.Cùng vận dụng với Xa ma tha.

2.Lìa khỏi điên đảo.

3.Phân biệt vô lượng pháp giới.

4.Biết pháp giới một cách thông suốt.

Bồ Tát tu tập bốn nghĩa Tỳ bát xà ma là vì Vô thượng Bồ Đề.

Thế nào là phương tiện hay khéo của Bồ Tát?

-Phương tiện hay khéo có mười hai thứ: Trong có sáu thứ, ngoài có sáu thứ.

Sáu thứ bên trong là:

-Đối với chúng sanh, Bồ Tát luôn luôn khởi tâm Đại Bi.

-Chơn thật biết rõ về tất cả hạnh.

-Thường thích buộc niệm nơi đạo vô thường.

-Vì chúng sanh mà xoay vần sanh tử.

-Chơn chánh biết rõ thế nào là phiền não, thế nào chẳng phải phiền não.

-Vì Vô thượng Bồ Đề nên siêng tu tinh tấn.

Đây gọi là sáu phương tiện bên trong.

Sáu thứ bên ngoài là:

-Có thể làm cho người cúng thí ít lại được vô lượng phước.

-Người có công đức, có thể làm cho càng được tăng trưởng.

-Người hủy phá Phật pháp, có thể khiến họ phát sanh đức tin.

-Người đã có đức tin làm cho tăng trưởng.

-Người chưa thuần thục làm cho thuần thục.

-Người đã thuần thục khiến được giải thoát.

Đây gọi là sáu phương tiện bên ngoài.

Vì sao thí ít mà lại được phước vô lượng?

-Nếu có chúng sanh ở chỗ Bồ Tát, được nghe những pháp Bồ Tát nói ra, kẻ ấy nghe rồi đem nắm thức ăn thí cho chó đói. Vật thí ấy ít, phước lại mỏng manh, nhưng do có thể dùng đó hồi hướng Vô thượng Bồ Đề, cho nên được phước nhiều hơn vô lượng.

Người có công đức làm cho tăng trưởng là như thế nào?

-Nếu như có người trước đó đã thọ tám pháp trai giới, Bồ Tát vì họ phân biệt giải nói, chỉ cách hồi hướng Vô thượng Bồ Đề.

Nếu có chúng sanh chấp sâu tà kiến, một tháng không ăn, dứt ăn ban ngày, ăn uống về đêm, Bồ Tát vì họ tuyên giảng chánh pháp, khiến cho kẻ ấy pháp bỏ tà tâm, lại vì kẻ ấy dạy bảo thọ trì Bát quan trai giới.

Nếu có chúng sanh muốn cầu giải thoát nhưng không biết phương pháp, Bồ Tát vì họ giải nói ý nghĩa Trung đạo Thật tướng lìa khỏi nhị biên.

Nếu có chúng sanh muốn được thân trời mà phải trên cao nhảy xuống vực sâu, gieo mình vào lửa. Bồ Tát nhằm phá cái khổ hiện tại, vì họ giải nói về việc trì giới. Hiện tại được vui sau được sanh thiên.

Nếu có chúng sanh vì sự vắng lặng, đọc tụng giải nói bốn kinh Phệ đà. Bồ Tát liền đem mười hai phần kinh giảng nói chỉ dạy khiến họ phân biệt tư duy nghĩa lý.

Lại nữa, Bồ Tát dùng nhiều hương hoa thượng diệu trên đời cúng dường Tam bảo, lại cũng chỉ vẽ chúng sanh để họ hiểu biết cúng dường. Bồ Tát hướng về chư Phật mười phương phát nguyện cúng dường và dạy chúng sanh hướng về chư Phật trong khắp mười phương pháp nguyện cúng dường.

Lại nữa, Bồ Tát thường tu lục niệm, từ việc niệm Phật cho đến niệm Thiên, cũng dạy chúng sanh làm cho cùng biết tu hành lục niệm.

Lại nữa, nghiệp lành thuộc thân, miệng, ý của Bồ Tát hoặc nhiều hoặc ít đều thí chúng sanh, cũng đem pháp này chỉ dạy tất cả.

Bồ Tát thường lập nguyện lớn như vầy:

“Tất cả chúng sanh có bao sự khổ, nguyện đều góp hết vào một thân tôi, chớ để họ chịu những nỗi khổ ấy”. Bồ Tát tự mình lập nguyện như vậy và đem điều này xoay vần giáo hóa chúng sanh.

Lại nữa, nếu Bồ Tát có những tội đã qua, những lỗi hiện tại, Bồ Tát hướng về mười phương chư Phật tỏ bày sám hối, cũng dùng sự sám hối này giáo hóa chúng sanh.

Lại nữa, Bồ Tát tự mình thường xuyên tu tập bốn vô lượng tâm và dạy người tu, người có công đức khiến được tăng trưởng, kẻ phá Phật pháp khiến họ có thể phát sanh đức tin rồi khiến được gia tăng, người chưa thuần thục làm cho thuần thục, người đã thuần thục khiến được giải thoát.

Đại Bồ Tát vì bốn pháp ấy (bốn pháp thuộc xa ma tha, tỳ bát xa na), mà tu sáu việc: Sáu việc đó là: 1.Tùy người khác. 2.Không chướng ngại. 3.Không động. 4.Tâm tương tợ. 5.Báo ơn. 6.Vắng lặng.

Tùy người khác là: Đại Bồ Tát nếu vì chúng sanh nói pháp, trước hết dùng lời mềm mỏng dịu dàng, thuận theo tâm người mà nói. Tùy sức kham nhận bởi thân, miệng, ý của người mà ban bố giáo pháp, khiến họ cung kính, tâm ưa mến pháp. Sanh tâm mến rồi sau đó Bồ Tát vì họ tuyên nói. Theo căn cơ hạng thượng, trung và hạ, nói pháp dễ hiểu, nói đúng thời tiết, nói có thứ lớp, nói không lộn lạo, nói sanh lợi ích, nói với lòng thương. Nếu cần thần thông ứng cảm để độ, bèn hiện thần túc. Việc lược có thể nói thành rộng rãi, sự việc rộng rãi có thể nói lược, hay phá lưới nghi, có thể đem lại một sự nhớ nghĩ cho rất nhiều người, có thể phân biệt rộng rãi về sự xuất định, nhập định.

Nếu có người nào chẳng hiểu nghĩa sâu về ý nghĩa Không của Như Lai nói, Bồ Tát vì họ mở bày phân biệt diễn nói rộng rãi.

Nếu có người nào bài bác kinh điển Phương đẳng Đại Thừa, Bồ Tát vì họ nói pháp chỉ dạy, khiến được điều phục.

Nếu có chúng sanh phát ngôn như vầy: “Đức Như Lai nói không có các pháp, không tất cả vật. Tất cả các pháp không sanh không diệt, dường như hư không, như ảo, như mộng, như tia lửa chớp, như thành Càn thát bà, như trăng đáy nước, như tiếng vang dội…” Người này vì chẳng hiểu nổi nhân duyên pháp tánh, cho nên đâm ra sợ sệt, bởi cớ sợ sệt mà sanh phỉ báng, cho rằng chẳng phải kinh Phật mà là luận thuyết tà kiến.

Đại Bồ Tát khéo dùng phương tiện vì kẻ mê ấy lần hồi khai mở nghĩa trong khế kinh, giải thích như vầy:

“Chẳng phải các pháp hoàn toàn không có, chỉ vì các pháp không thể tuyên nói, cho nên Như Lai nói là không pháp. Bởi tánh không thể nói nay nó chẳng thuộc cái có, cho nên gọi là không vật. Nếu không một pháp nào có thể nói, không một pháp nào mà tánh của nó là chẳng thể nói, thì đâu thể nói là có sanh có diệt? Vì thế Phật nói tất cả các pháp không sanh không diệt, nếu chẳng sanh diệt, đó mệnh danh là tựa như hư không.

Ví như trong hư không có vô lượng sắc, có vô lượng nghiệp, các sắc, các nghiệp không hề chướng ngại nhau, như sự đi đứng, co duỗi, cúi ngước chẳng hạn. Nếu không có sắc các nghiệp như thế mà gọi hư không, thì hư không chẳng thể tuyên nói, đâu được nói rằng tánh (vọng) hư không chẳng thể tuyên nói. Nếu hư không kia chẳng thể tuyên nói, thì các sắc, các nghiệp làm sao có thể nói?”.

-Không chướng ngại là thế nào?

-Khi Đại Bồ Tát được thánh trí rồi, biết sự không thể nói của pháp giới, bấy giờ Bồ Tát phá hỏng cái tướng tà vạy, có thể nói lên cái Có và cái có thể nói của tất cả pháp. Trước hết Bồ Tát đem thánh trí như vậy dạy lại chúng sanh, chúng sanh được rồi tự thấy pháp tánh, pháp tánh chẳng thể tuyên nói, dụ như hư không. Vì thế Như Lai nói tất cả pháp đồng như hư không, tánh, tướng như huyễn, chẳng phải là có, chẳng phải là không. Thánh nhơn cũng nói chẳng phải có, chẳng phải không.

Nếu như cái huyễn nhứt định là có, thì do duyên gì lúc có thể thấy, lúc không thể thấy? Nếu nhứt định không, thì sao có thể làm cho người thấy các thứ tướng trạng? Pháp nếu thật không đáng lẽ chẳng sanh ra tướng? Tất cả pháp giới lại cũng như vậy.

Đối với phàm phu nói có danh tướng, vì có danh tướng đâu được nói là không? Đến như tánh đệ nhứt-nghĩa thì không thể nói năng, thế nên chẳng được nói là chẳng có, vì vậy pháp tánh như huyễn có hai (chẳng phải có, chẳng phải không). Do đó Bồ Tát đối với pháp giới chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng thêm chẳng bớt. Thật biệt là Thật, cũng nói là thật. Đây Bồ Tát khéo tùy phương tiện, không bị chướng ngại.

-Không động là sao?

-Đại Bồ Tát thấy người đến cầu cứu, liền nói như sau:

“Này trang thiện nam! Nếu người có thể cúng dường cha mẹ, thầy học, sa môn, bà la môn bằng những vật dụng: áo quần, thức ăn, giường nệm, thuốc thang, hương hoa, đồ trang sức, phan lọng, kỹ nhạc, ruộng đất, nhà cửa tôi tớ, xe cộ hay đồ tư trang… Được như thề thì, tùy người ưa thích món gì, tôi sẽ trao cho món ấy”.

Nếu có chúng sanh bị đe dọa sợ, Bồ Tát nói rằng: “Nay nếu như người có thể cúng dường Tam Bảo cho đến Bà la môn, ta sẽ cấp cho nào là áo quần, thức ăn, các vật cần thiết, cho đến những đồ trang sức.v.v. Cũng sẽ giải cứu cho người thoát khỏi mối dọa sợ”.

Nếu có người bệnh, Bồ Tát cũng nói: “Như người có bệnh có thể cúng dường Tam Bảo cho đến Bà la môn. Tôi sẽ vì người tìm kiếm lương y để nhờ xem bệnh, bốc thuốc cho người và sẽ cung cấp áo quần, thức ăn cho đến đồ trang sức và giúp cho người trị lành chứng bệnh!”.

Những chúng sanh ấy nếu hay tin nhận lời của Bồ Tát, Bồ Tát sẽ lập ra nhiều phương tiện làm cho hết thảy đều được vừa ý. Nếu họ không nhận, bấy giờ Bồ Tát tu tập tâm Xả.

Như có người tin nhận, nếu Bồ Tát không làm vừa ý họ ấy là đắc tội.

Bồ Tát trước hết dạy cách cúng dường Tam Bảo, cha mẹ, thầy học, chỉ cách trì giới, tinh tấn để điều phục người, khiến họ tiến dần đến Đạo Bồ Đề.

Nếu như trước đó họ vâng theo lời, sau đó không chịu, Bồ Tát do lòng Từ Bi thương xót, hiện cách giận trách, nhưng thật sự ra chẳng phải ác tâm. Nếu không cho họ các vật cần dùng hay chẳng làm người giúp đỡ, chẳng phải Bồ Tát hiềm hận thật sự, chẳng qua điều phục kẻ nọ mà thôi.

Đây gọi là không chướng, không động.

-Tâm tương tợ là gì?

-Nếu như Bồ Tát làm vua, làm quan, thế lực tự do có nhiều quyến thuộc. Trước tiên Bồ Tát đề xướng như vầy: “Trong lãnh thổ ta, trong gia đình ta, người nào chẳng hay cúng dường Tam Bảo, cha mẹ, sư trưởng, sa môn, Bà la môn, người nào phá giới, biếng nhát, trễ lười, ta sẽ cắt đứt không cung cấp cho áo quần, ăn uống, ta sẽ đánh trói, bắt giam vào ngục hoặc sẽ giết chết, hoặc đuổi đi xa. Ta dặn các quan phải lo xem xét để biết rõ ràng người nào giữ giới, người nào phá giới, để biết người nào cúng dường Tam Bảo, kẻ nào chẳng hay cúng dường Tam Bảo, cha mẹ, sư trưởng”.

Bấy giờ nhân dân vì cớ sợ sệt, cho nên xa tránh các điều dữ và tu pháp lành như tâm Bồ Tát.

Đây gọi là phương tiện tương tợ.

-Sự báo ơn là thế nào?

-Bồ Tát nếu nhận thí chủ cúng dường áo mặc, mền nệm, thuốc thang, phòng nhà.v.v. dầu ít dầu nhiều, hoặc bị đe họa mà có người cứu hoặc lúc bệnh khổ có người trị liệu, hoặc nghe nói pháp được phá lòng nghi…Đại Bồ Tát vì sự nhớ ơn mà dạy người ơn thực hành thiện pháp. Đó gọi là Báo ơn. Bồ Tát nói pháp, chúng sanh nghe rồi, ngay đó có thể cúng dường Tam Bảo, cha mẹ, sư trưởng, sa môn, Bà la môn hoặc cúng dường người giữ giới tu hành. Đây gọi là sự báo ơn.

-Sự vắng lặng là gì?

-Đại Bồ Tát an trụ Địa vị Tất cánh (Đẳng giác) tu tập vắng lặng về đạo Bồ Đề, sanh lên cung trời Đâu xuất, nên biết vị này chẳng bao lâu sẽ sanh xuống Nam Diêm Phù Đề, thành đấng Vô thượng, chánh đẳng chánh giác. Những người nghe rồi thảy đều phát nguyện: “Khi Bồ Tát thành Phật, chúng tôi sẽ ở trong pháp hội ngài mà xuất gia học đạo”.

Đến thời kỳ đó Bồ Tát giáng thần xuống cõi Diêm phù, sanh vào giòng giống sát đế lợi hoặc Bà la môn, vì chúng sanh mà bỏ vui ngũ dục, xuất gia học đạo, tu hành khổ hạnh, được những người tu khổ hạnh cung kính. Tu khổ hạnh xong Bồ Tát chứng quả Vô thượng Bồ Đề, loại trừ tâm của Thanh Văn, Duyên Giác. Khi thành đạo rồi im lặng an trụ. Lặng lẽ an trụ cho nên Phạm Vương, Đế thích đến nơi khuyến thỉnh. Phạm Vương khải thỉnh là vì muốn khuyến chúng sanh sanh tâm tôn trọng đối với chánh pháp.

Bấy giờ đức Phật tự dùng Phật nhãn xem xét chúng sanh, sau đó nói pháp. Dùng Phật nhãn xem là để phá trừ cái tướng không hay của các chúng sanh. Nghĩa là chúng sanh nói rằng Như Lai chỉ vì Phạm Vương mời thỉnh, chẳng phải vì lòng thương xót.

Nếu dùng Phật nhãn quán sát chúng sanh và chuyển bánh xe pháp, đó là để phá bánh xe tà ác nơi tâm chúng sanh.

Chuyển Pháp luân rồi, nhóm chúng đệ tử chế định giới luật làm cho chúng sanh chứng đạo giải thoát.

Trên đây gọi là phương tiện vắng lặng của Đại Bồ Tát, nhằm một mục đích khiến các chúng sanh phát khởi tín tâm, người chưa vào cửa Phật pháp làm cho được vào, người chưa thuần thục làm cho thuần thục, người đã thuần thục liền được giải thoát.

HẾT QUYỂN THỨ SÁU


Xem dưới dạng văn bản thuần túy