× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Bồ Tát Thiện Giới



Phẩm thứ mười lăm…Trí tuệ Độ

(BÁT NHÃ BA LA MẬT)

1.Thế nào là tánh tuệ của Bồ Tát.

-Vì Nhất thiết trí - Tất cả khả năng sáng suốt để phân biệt pháp giới, gọi là Tánh tuệ.

Lại nữa, khéo học năm phương thuật: Nội thuật, Nhân thuật, Thanh thuật, Y phương thuật, Công xảo thuật, gọi là Tánh tuệ.

2.Tất cả tuệ là gì? -Tổng quát có hai:

Thế gian. Xuất thế gian.

Hai thứ này lại chia làm ba:

Một là. Biết đúng như thật: Biết năm phương thuật, biết ba nhóm chúng sanh, biết phương tiện lợi ích chúng sanh, biết pháp giới chẳng thể tuyên nói, biết bốn thánh đế, không ngã, không ngã sở. Đối với các pháp giới không có giác quán, quán các pháp giới với tâm bình đẳng, chẳng bỏ, chẳng chấp, chẳng thường, chẳng đoạn và nói về pháp Trung đạo. Đây gọi là trí tuệ.

Hai là. Biết việc thế gian và pháp xuất thế là bởi Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là trí tuệ.

Ba là. Quán sâu pháp giới, phân biệt diễn nói để làm lợi ích chúng sanh, đó gọi là trí tuệ cũng gọi là Tất cả tuệ.

3.Thế nào là Tuệ khó khăn?

-Có mười một điều, như trong phẩm Trì giới đã nói.

Khéo biết tâm chúng sanh để điều phục gọi là Tuệ khó khăn.

Biết toàn thể pháp giới không bị chướng ngại gọi là Tuệ khó khăn.

Vì khắp chúng sanh mà diễn nói về pháp giới sâu thẳm, gọi là Tuệ khó khăn.

Khéo biết không ngã và không ngã sở, gọi là Tuệ khó khăn.

4.Tự tuệ của tất cả?

-Hoặc thường thọ trì đọc tụng giải nói tạng pháp Thanh Văn, tạng pháp Bồ Tát, do đó (chúng sanh) được tu trí tuệ, do tu tuệ nên được những năng lực trí tuệ, được sức trí tuệ cho nên biết rõ pháp nào đáng tu, điều nào đáng làm, điều chẳng nên làm, hết lòng quán xét vô lượng sự việc. Đây gọi là tự tuệ của tất cả.

5.Tuệ của người lành: Đây có năm sự:

Một là. Do nghe chánh pháp mà được.

Hai là. Do tư duy chánh pháp mà được.

Ba là. Do tự lợi, lợi tha mà được.

Bốn là. Do chẳng điên đảo, nhận thức đúng chỗ các pháp mà được.

Năm là. Do phá phiền não mà được.

Lại có năm sự:

-Có thể biết nghĩa sâu kín nhỏ nhiệm.

-Tu tập Thiền định biết được pháp giới.

-Cùng Tuệ trang nghiêm mà được trí tuệ.

-Từ Phật, Bồ Tát đưa đến.

-Đủ tâm vắng lặng cho đến cứu cánh.

Đây gọi là Tuệ của người lành.

6.Tuệ trong tất cả hạnh? -Có 13 pháp:

Một là. Khổ trí. (Trí biết rõ Khổ đế)

Hai là. Tập trí. (Trí biết tập nhân phiền não).

Ba là. Diệt trí. (Trí biết Diệt đế-Niết Bàn).

Bốn là. Đạo trí. (Trí biết Đạo đế - 8 thánh đạo).

Năm là. Tận trí. (Trí biết hết các lậu hoặc).

Sáu là. Vô sanh trí. (Trí biết các pháp không duyên sanh).

Bảy là. Pháp trí. (Trí biết các pháp không thực có).

Tám là. Tỷ trí. (Trí biết sự tỷ lượng đối với các pháp).

Chín là. Thế trí. (Trí biết Sự sự trong 9 pháp giới, Trừ Phật pháp giới).

Mười là. Thông trí. (Trí biết các thần thông).

Mười một là. Nhân trí. (Trí biết nguyên nhân sự vật).

Mười hai là. Lực trí. (Trí biết mười lực của Phật).

Mười ba là. Sơ tâm trí. (Trí biết bản thể đầu tiên).

Đây gọi là Tuệ tất cả hạnh.

7.Thế nào là Tuệ trừ diệt?

-Do bốn trí vô ngại, trí thế gian và trí xuất thế, phá hết tất cả mọi sự tối tăm. Vì vậy gọi là Tuệ trừ diệt.

8.Tuệ tự lợi lợi tha? -Như đã nói ở phần đầu đoạn năm phương thuật. Do nhân duyên năm phương thuật này mà được Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là Tuệ tự lợi lợi tha.

9.Tuệ vắng lặng: Vì sự chơn thật cho nên tu tập. Vì khắp chúng sanh cho nên tu tập. Vì để được nghĩa cho nên tu tập. Vì biết nhân quả cho nên tu tập. Vì phá sự điên đảo. Vì khéo biết phương tiện. Vì biết việc đáng làm việc không nên làm cho nên tu tập. Vì biết phiền não, vì để được cứu cánh cho nên tu tập.

Đây gọi là Tuệ vắng lặng.

Bồ Tát đầy đủ chín điều như trên, gọi là TRÍ, gọi là TUỆ, gọi là RỐT RÁO, cũng gọi là chơn thật, cũng gọi là vô lượng tuệ. Do nhân duyên vô lượng tuệ này, Bồ Tát đầy đủ Bát Nhã Ba la mật. Vì đầy đủ Bát nhã Ba la mật cho nên được Vô thượng Bồ Đề.

Như trong các kinh Phật đã từng nói: ”Có người đầy đủ Bát nhã, có người không đầy đủ” Nhưng nên biết rằng chín thứ lớp như vậy, từ Tánh cho đến vắng lặng, những ai hoặc nói một pháp Ba la mật, hoặc nói hai pháp, ba pháp, bốn pháp, năm pháp, sáu pháp, nói một pháp là nhiếp luôn sáu pháp, cho đến nói sáu pháp cũng là nhiếp luôn sáu pháp. Nếu có những người nghe những danh từ trong chín thứ ấy rồi tin nhận vâng làm đọc tụng biên chép, phân biệt nói rộng giáo hóa chúng sanh, người đó rốt ráo sẽ được thành tựu đầy đủ sáu pháp Ba la mật.

 


Xem dưới dạng văn bản thuần túy